Triển vọng từ mô hình sản xuất cát nhân tạo từ nguyên liệu đá, sỏi

Triển vọng từ mô hình sản xuất cát nhân tạo từ nguyên liệu đá, sỏi

13/11/2018

Cát là vật liệu không thể thiếu trong xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng. Theo tài liệu đánh giá của Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng tỉnh, có đến 80% số lượng cát hiện nay được dùng cho san lấp mặt bằng, xây dựng đường giao thông, chỉ có 20% lượng cát còn lại được dùng cho các công trình xây dựng. Đa phần lượng cát đang sử dụng cho xây dựng hiện nay được khai thác từ tự nhiên ở sông, suối. Tuy nhiên, nguyên liệu cát hiện đang được sử dụng một cách lãng phí khiến nguồn nguyên liệu này ngày càng cạn kiệt.

Dây chuyền tự động sản xuất cát nhân tạo từ nguyên liệu đá, sỏi của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hà Liên.

Để giải quyết vấn đề nguy cơ khai thác cạn kiệt nguồn nguyên liệu cát, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đưa vào sản xuất cát nhân tạo, dùng để thay thế cát khai thác tự nhiên ở một số hạng mục trong quá trình xây dựng công trình. Mới đây, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hà Liên, xã Tân Phúc, huyện Nông Cống đã đầu tư dây chuyền nghiền đá cuội thành cát nhân tạo với thiết bị đồng bộ, công nghệ mới để tạo ra sản phẩm cát sạch với chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường vật liệu. Dây chuyền được đầu tư với tổng nguồn vốn gần 14 tỷ đồng, công suất khi đi vào hoạt động ổn định đạt 150.000 tấn/năm, tương đương với 100.000 m3/năm.

Với dây chuyền sản xuất cát nhân tạo đồng bộ, nguyên liệu đá từ máy cấp nguyên liệu được chuyển vào máy nghiền sơ cấp để tiến hành nghiền thô. Nguyên liệu đá sau khi nghiền thô sẽ được đưa vào máy nghiền thứ cấp để tiến hành nghiền nhỏ, sau đó sẽ qua băng tải chuyển vào máy sàng rung để phân loại, các hạt đá đáp ứng được yêu cầu cỡ hạt nạp liệu của máy sản xuất cát sẽ được đưa vào máy nghiền để chế tạo cát. Các hạt đá không đáp ứng yêu cầu sẽ được chuyển lại máy nghiền thứ cấp để nghiền lại. Nguyên liệu đã qua máy nghiền cát chuyển lại máy sàng rung để tiếp tục sàng lọc, các hạt cát sàng lọc đủ độ nhỏ theo tiêu chuẩn sẽ qua băng tải chuyển đến máy rửa để làm sạch trước khi xuất xưởng. Ngoài ra, để giảm thiểu khí bụi ra môi trường trong quá trình sản xuất, công ty đã kết hợp thực hiện nhiều biện pháp, như: Đặt dây chuyền sản xuất xa khu dân cư, trồng cây xung quanh khu vực sản xuất, chất thải rắn trong quá trình tạo cát sẽ được sử dụng để nâng cấp đường giao thông. Thường xuyên bảo dưỡng máy móc thiết bị để giảm thiểu tối đa tiếng ồn; đồng thời, thực hiện nghiêm túc quy trình nổ mìn tại mỏ, áp dụng các biện pháp chống bụi, dùng các thiết bị phun nước tạo màn sương, hút lọc bụi định kỳ, xác định lượng bụi, khí thải...

Đánh giá về triển vọng của mô hình sản xuất cát nhân tạo từ nguyên liệu đá, sỏi, ông Vũ Việt Hồng, Trưởng phòng Khuyến công, Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng tỉnh, cho biết: Do mô hình sản xuất cát nhân tạo từ nguyên liệu đá, sỏi của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hà Liên được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, các công đoạn sản xuất được tự động hóa đạt hơn 90%, nên giảm thiểu tối đa công lao động phổ thông và giảm tiêu hao năng lượng trong quá trình sản xuất. Sản phẩm được tạo ra đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường xây dựng, giao thông thủy lợi, tận dụng tối đa được nguồn tài nguyên sẵn có trên địa bàn. Từ triển vọng, tính khả thi và phù hợp với xu hướng phát triển mà mô hình này đem lại, Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng tỉnh đã bố trí nguồn vốn từ chương trình hỗ trợ của khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương để hỗ trợ cho công ty thực hiện mô hình. Đồng thời, trung tâm cũng đang làm văn bản đề nghị các bộ, ngành có liên quan phê duyệt hỗ trợ thêm kinh phí để công ty phát triển sản xuất.

baothanhhoa.vn

Tags :

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Hotline: 0907207555

Sản phẩm đã được thêm vào giỏ hàng

product-image

Số lượng:

Tổng tiền:

Sản phẩm đã được thêm vào giỏ hàng

Phí vận chuyển: Tính khi thanh toán

Tổng tiền thanh toán: