Sử dụng vật liệu không nung: Cần tiếng nói của người trong cuộc

Sử dụng vật liệu không nung: Cần tiếng nói của người trong cuộc

22/03/2023

Thực tế các chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế dường như ít chia sẻ về quy định sử dụng vật liệu xây dựng không nung trong công trình xây dựng dù hành lang pháp lý đã rõ.

Để phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2171 về phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030.

Theo đó, đến năm 2025 đẩy mạnh sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế một phần gạch đất sét nung đạt tỉ lệ 35 - 40%, đạt tỉ lệ 40 - 45% vào năm 2030 trong tổng số vật liệu xây, đảm bảo tỉ lệ sử dụng VLXKN trong các công trình theo quy định.

Nhiều văn bản đã ban hành

Nhằm giúp ngành vật liệu không nung phát triển, ngay từ năm 2012 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 10 về tăng cường sử dụng XLXKN và hạn chế sử dụng gạch đất sét nung.

Theo đó, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến khuyến khích sản xuất và ưu tiên sử dụng VLXKN, kể cả các sản phẩm tấm tường thạch cao và tấm 3D. Hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung, tiếp tục xây dựng lộ trình phù hợp với từng địa phương để sớm chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí).

Trong đó, Bộ Xây dựng được giao nhiều nhiệm vụ trọng tâm như ban hành các cơ chế chính sách đồng bộ nhằm tăng cường sử dụng VLXKN theo hướng các công trình sử dụng vốn nhà nước như trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học… bắt buộc phải sử dụng VLXKN. Khi phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, các chủ đầu tư phải chú ý việc ưu tiên sử dụng VLXKN…

 

Sử dụng vật liệu không nung: Cần tiếng nói của người trong cuộc  ảnh 1

 

Một công trình xây dựng trên chín tầng tại TP.HCM có dấu hiệu vi phạm khi sử dụng một lượng lớn gạch nung. Ảnh: PV

Bộ Xây dựng tăng cường chỉ đạo việc nghiên cứu hoàn thiện công nghệ và thiết bị sản xuất gạch không nung; Lập quy hoạch phát triển sản xuất vôi quy mô công nghiệp trên phạm vi toàn quốc, đáp ứng yêu cầu vôi cho sản xuất VLXKN và nhu cầu của thị trường.

Ngoài ra, tại Thông tư 13/2017 của Bộ Xây dựng đã quy định rõ tỉ lệ sử dụng VLXKN trong các công trình. Cụ thể, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước tại Hà Nội và TP.HCM phải sử dụng 100% VLXKN. Đối với các công trình xây dựng từ chín tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây.

Khó tiếp cận với chủ đầu tư, nhà thầu

Với quy định đã rõ ràng và được ban hành từ nhiều năm trước nhưng vậy, thông thường việc thực hiện sẽ thông suốt, thuận lợi. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Bộ xây dựng, trong giai đoạn từ năm 2016-2021 thì việc sử dụng VLXKN đang có xu hướng giảm hàng năm.

Theo ghi nhận nhiều dự án vẫn không thực hiện đúng theo quy định về tỉ lệ sử dụng VLXKN trong một công trình. Nhiều chủ đầu tư, nhà thầu vẫn tìm cách né không sử dụng VLXKN, thay vào đó là sử dụng vật liệu nung thông thường nhằm tối đa hóa chi phí vật liệu xây dựng.

Trong khi để quy định đi vào cuộc sống rất cần sự chung tay, đồng lòng của chủ đầu tư các dự án, nhà thầu thi công và đơn vị tư vấn thiết kế tại các công trình. Tuy nhiên, tại nhiều công trình xây dựng của các đơn vị như XM, AG, DX, NVL, HT... các chủ thể này đều ít khi chia sẻ về việc thực hiện quy định sử dụng VLXKN.

Hiện nay Chính phủ, các bộ, ngành địa phương đã có những chính sách, quy định khuyến khích phát triển VLXKN nhưng những người trong cuộc (chủ đầu tư, nhà thầu thi công) có vẻ như lại không mặn mà với loại vật liệu này.

Cần sự chung tay và trách nhiệm

Theo chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sử dụng VLXKN chưa nghiêm như: Giá gạch nung đang rẻ hơn giá gạch không nung từ 20-30%; Chất lượng của VLXKN trên thị trường đang vàng thau lẫn lộn khi có những nhà sản xuất đưa ra thị trường sản phẩm không đảm bảo chỉ tiêu chất lượng như công bố; Công tác thanh, kiểm tra còn chưa đảm bảo…

Để chính sách phát triển ngành VLXKN thực sự phát huy hiệu quả và đảm bảo được cam kết của Chính phủ với các tổ chức quốc tế về giảm phát thải khí CO2 thì rất cần có sự chung tay, ý thức trách nhiệm với cộng đồng và tinh thần tuân thủ quy định của các bên liên quan, đặc biệt là chủ đầu tư, nhà thầu thi công.

Tags :

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Hotline: 0907207555

Sản phẩm đã được thêm vào giỏ hàng

product-image

Số lượng:

Tổng tiền:

Sản phẩm đã được thêm vào giỏ hàng

Phí vận chuyển: Tính khi thanh toán

Tổng tiền thanh toán: