Quảng Trị: Cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp xử lý sự cố khi sử dụng VLXKN trong xây dựng

Quảng Trị: Cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp xử lý sự cố khi sử dụng VLXKN trong xây dựng

20/08/2019

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có 4 cơ sở sản xuất vậy liệu xây không nung (VLXKN), hay còn gọi gạch không nung (GKN) đang hoạt động, với tổng công suất thiết kế hơn 100 triệu viên gạch quy chuẩn/năm.

Lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị và chủ đầu tư đang kiểm tra xây bức tường thí điểm tại công trình nhà hiệu bộ, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay (bắt đầu năm 2013), các cơ sở sản xuất GKN được chính quyền các cấp rất quan tâm và có nhiều chính sách hỗ trợ. Cụ thể, ngày 23/10/2013, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định số 1934/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch phát triển VLXKN trên địa bàn đến năm 2020.

Tuy vậy, đã qua nhiều năm đi vào hoạt động, đến nay các cơ sở sản xuất GKN trên địa bàn Quảng Trị vẫn còn cầm chừng, sản lượng tiêu thụ đạt khoảng 30 - 50%/năm so với công suất thiết kế. Lý do dẫn đến tình trạng này chủ yếu là các công trình sử dụng GKN thường gặp các khuyết tật như nứt tường, tách tường, thấm tường…

Trong năm 2016, Sở Xây dựng Quảng Trị tiến hành kiểm tra ngẫu nhiêu 17 công trình sử dụng GKN, thì trong đó có đến 16 công trình đều có chung tình trạng là nứt tường và hiện tượng này thường gặp ở các vị trí giảm yếu hoặc vị trí tiếp giáp giữa hai loại vật liệu khác nhau (tường – trụ; tường – dầm).

Mặc dù các khuyết tật nói trên chưa gây sự cố sập đổ nhưng phần nào đã làm ảnh hưởng đến chất lượng, thẩm mỹ của các công trình; gây thiệt hại về kinh tế; kéo dài thời gian bàn giao công trình…

Ông Phan Thanh Hiếu - cán bộ kỹ thuật Cty TNHH Minh Thành cho biết: “Chi phí phát sinh xử lý sự cố nứt tường các công trình xây dựng GKN thường chiếm một phần không nhỏ, vô hình dung đặt lên vai các nhà thầu thêm một gánh nặng không đáng có”.

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên là do biến dạng co ngót lớn của khối xây GKN trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt của địa phương. Trong khi hầu hết hồ sơ thiết kế các công trình đều không có các tính toán về biến dạng, cũng như đưa ra các yêu cầu chỉ dẫn kỹ thuật thi công cụ thể, chi tiết đối với khối xây sử dụng GKN để có thể hạn chế tình trạng nứt, tách nói trên.

Mặc dù đây là loại vật liệu mới nhưng các nhà sản xuất không có hướng dẫn kỹ thuật khối xây kèm theo sản phẩm khi lưu thông trên thị trường; Một số nhà sản xuất chưa thực hiện nghiêm túc chế độ bảo dưỡng GKN trước khi bán ra thị trường, vẫn tồn tại các sản phẩm GNK kém chất lượng; Các tổ chức cá nhân thực hiện công tác quản lý chất lượng, giám sát thi công xây dựng công trình còn hiểu biết hạn chế trong việc sử dụng GKN trong các khối xây dựng (kỹ thuật xây, trát, neo, gia cường và bảo dưỡng…).

Đồng thời chưa có các quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc hướng dẫn kỹ thuật về thiết kế, thi công và nghiệm thu khối xây sử dụng GKN phù hợp với điều kiện khí hậu ở Quảng Trị...

Để khắc phục về những sự cố nói trên, thời gian qua Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị đã triển khai một số giải pháp theo chuyên ngành quản lý đơn vị. Cụ thể ngày 20/7/2017, Sở đã có văn bản gửi đề nghị các doanh nghiệp sản xuất GKN, các chủ đầu tư trên địa bàn thực hiện một số nội dung cấp thiết, đó là các cơ sở sản xuất GKN tuân thủ đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn TCVN6477:2016 – Gạch bê tông (thay thế TCVN 6477:2011); Duy trì việc kiểm soát chất lượng, thử nghiệm và giám sát định kỳ các sản phẩm GKN đã được chứng nhận, công bố hợp quy; bảo dưỡng gạch đúng quy trình, đúng thời gian, đủ 28 ngày và đủ mác theo công bố, mới được xuất xưởng ra thị trường, nghiên cứu các giải pháp để hạn chế tối đa độ co ngót của GKN trước khi đưa vào sử dụng công trình.

Ngừng sản xuất và có biện pháp khắc phục hậu quả khi phát hiện sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo đúng quy định tại Khoản 2, Điều 31 Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng.

Đặc biệt là sau khi tổ chức cuộc Hội thảo về GKN vào đầu tháng 5/2018, thì đến ngày 29/5/2018 Sở này đã có Văn bản số 692 về việc hướng dẫn quản lý chất lượng khối xây sử dụng GKN trong các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị gửi cho các đơn vị, doanh nghiệp liên quan đến sản xuất và sử dụng GKN. Nội dung hướng dẫn được cụ thể hóa theo từng giai đoạn như: Giai đoạn sản xuất; Giai đoạn thiết kế cho đến giai đoạn thi công và nghiệm thu...

Các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có báo cáo đánh giá việc sử dụng GKN trong xây dựng công trình từ năm 2016 đến cuối năm 2018. Cụ thể tỷ lệ có sự cố nứt công trình sử dụng GKN năm 2016 chiếm 36,9% thì đến năm 2018 sự cố này giảm xuống còn 21,4.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị: “Tuy tỷ lệ về sự cố nói trên của năm 2018 so với năm 2016 giảm tương đối đáng kể, song tỷ lệ sự cố khi sử dung GKN trong xây dựng lớn 20% vẫn còn cao. Vì vậy, thời gian tiếp theo, Sở Xây dựng chỉ đạo các đơn vị có liên quan đến GKN thực hiện nghiêm túc các giải pháp giảm thiểu sự cố khi sử dụng GKN trong xây dựng, đúng theo tin thần hướng dẫn của Sở tại Văn bản 692.

Đặc biệt Sở Xây dựng Quảng Trị sẽ triển khai hướng dẫn trực tiếp xây một số bức tường tại các công trình xây dựng dân dụng đang được thi công để nhân rộng. Hiện tại Sở đã triển khai xây bức tường thí điểm tại công trình Nhà hiệu bộ của trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị do Cty TNHH Minh Thành đảm nhiệm thi công”.

Ông Lê Thiên Thành - Giám đốc Cty Minh Thành cho biết, Cty ông đã triển khai xây GKN theo hướng dẫn của Sở Xây dựng tại Văn bản 692 được vài công trình, và đều đảm bảo, sự cố nứt, tách tường không đáng kể. Lần này, Cty được Sở triển khai xây bức tường thí điểm bằng GKN, hy vọng rằng, đây sẽ là “cẩm nang” để việc sử dụng GKN của Cty trong các công trình xây dựng sau này và trong việc khắc phục các sự cố về sử dụng GKN.

baoxaydung.com.vn

Tags :

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Hotline: 0907207555

Sản phẩm đã được thêm vào giỏ hàng

product-image

Số lượng:

Tổng tiền:

Sản phẩm đã được thêm vào giỏ hàng

Phí vận chuyển: Tính khi thanh toán

Tổng tiền thanh toán: