Quảng Bình: Vật liệu xây không nung và bài toán cung-cầu

Quảng Bình: Vật liệu xây không nung và bài toán cung-cầu

30/11/2018

Với nhiều tính năng ưu việt và đặc biệt thân thiện với môi trường, vật liệu xây không nung (VLXKN) đang được mệnh danh là vật liệu xây của tương lai, đem lại hiệu quả chung cho toàn xã hội. Tuy nhiên, ở Quảng Bình hiện nay, để dòng sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường này thực sự chiếm lĩnh được thị trường, vẫn cần những chủ trương và giải pháp đồng bộ.

Phát triển vật liệu xây không nung là xu thế của tương lai, góp phần bảo vệ môi trường.

Từng bước khẳng định chỗ đứng

Chủ trương sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước và các công trình xây dựng nói chung đã được Chính phủ đề cập đến trong Quyết định số 567/QĐ-TTg và được Bộ Xây dựng quy định trong Thông tư số 13/2017/TT-BXD.

Theo đó, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn hơn 30% phải sử dụng VLXKN trong tổng số vật liệu xây với tỷ lệ cụ thể: Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh sử dụng 100%; riêng ở các tỉnh, các đô thị từ loại III trở lên phải sử dụng tối thiểu 70%, tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50%.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả việc sử dụng VLXKN trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng đã chủ động tuyên truyền, phổ biến Chương trình phát triển VLXKN theo chủ trương của Chính phủ; khảo sát và đưa giá VLXKN, công bố giá gốc vật liệu xây dựng hàng tháng.Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% VLXKN trong tổng số vật liệu xây. Các công trình có yêu cầu đặc thù không sử dụng VLXKN thì phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo cũng như chương trình phát triển VLXKN của Chính phủ và Bộ Xây dựng, UBND tỉnh đã có chỉ thị về việc tăng cường sử dụng VLXKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh; đồng thời, triển khai quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 và kế hoạch triển khai Chương trình phát triển VLXKN trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2020 sản lượng gạch các loại đạt khoảng 405 triệu viên QTC/năm, trong đó gạch xây không nung đạt 160 triệu viên/năm (chiếm 40% tổng số vật liệu xây các loại).

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Minh Thái, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, thời điểm thực hiện quy định sử dụng VLXKN, trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 cơ sở sản xuất gạch bê tông cốt liệu (một loại VLXKN) với tổng công suất thiết kế 10 triệu viên/năm. Tuy nhiên, sản phẩm chưa được người tiêu dùng lựa chọn do nhiều nguyên nhân khác nhau, như: kích thước hình học, trọng lượng viên gạch lớn hơn nhiều so với gạch tuynel truyền thống…

Đồng thời, trong quá trình thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán đối với các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước, Sở đã yêu cầu chủ đầu tư phải sử dụng VLXKN tối thiểu theo đúng lộ trình được duyệt. Qua công tác thẩm định thiết kế, Sở Xây dựng đã thẩm định hơn 300 công trình có sử dụng VLXKN.

Đặc biệt, trong năm vừa qua, tỉnh đã chấm dứt hoạt động của các tổ chức, cá nhân sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công; không cấp phép mới cho các cơ sở sản xuất gạch, đất sét nung; từng bước đưa gạch không nung vào sử dụng trong các công trình xây dựng được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước và một số công trình sử dụng vốn khác.

Nhờ đó, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 13 đơn vị sản xuất VLXKN hoạt động với tổng công suất thiết kế khoảng 160 triệu viên/năm, cơ bản đã đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, có nhiều doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền sản xuất VLXKN có quy mô lớn, thiết bị tự động hóa cao, như: Công ty TNHH Trường Thành Quảng Bình, công suất 20 triệu viên/năm; Công ty Cosevco 1 công suất 30 triệu viên/năm; Công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng Nguyễn Thị Quỳnh, công suất 10 triệu viên/năm; Công ty Cổ phần đầu tư Somi công suất 15 triệu viên/năm…   

Cần có những giải pháp đồng bộ và lộ trình phù hợp

Việc sử dụng VLXKN sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, như: tiết kiệm tài nguyên đất và diện tích đất nông nghiệp; tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng, giảm khí thải; tiêu thụ một phần đáng kể phế thải từ các ngành khác, như: nhiệt điện, luyện kim, khai khoáng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, thực tế việc sử dụng VLXKN trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn gặp một số vướng mắc; đa số các cơ sở sản xuất VLXKN trên địa bàn tỉnh đều chưa hoạt động đạt công suất thiết kế.

Ông Trần Xuân Giao, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty Cổ phần khoáng sản Thuận Sơn (cụm công nghiệp Bắc Nghĩa) cho biết, Công ty chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016 với công suất thiết kế lên đến 15 triệu viên/năm. Tuy được đầu tư lớn về kinh phí nhưng hiện tại Công ty cũng chỉ cung ứng ra thị trường được khoảng 50% sản phẩm so với công suất thiết kế.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là do nhận thức của các nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu, người tiêu dùng về sản phẩm VLXKN còn chưa đầy đủ. VLXKN lại là dòng sản phẩm vật liệu xây dựng mới, cần có thời gian để thâm nhập thị trường; việc thay đổi thói quen sử dụng gạch đất sét nung truyền thống của người dân cũng không dễ thực hiện trong một sớm, một chiều.

Công trình Trường mầm non Lương Ninh, Quảng Ninh sử dụng vật liệu xây không nung.

Công trình Trường mầm non Lương Ninh, Quảng Ninh sử dụng vật liệu xây không nung.

Kèm theo đó, “trọng lượng viên xây lớn, giá thành tính cho 1m3 xây bằng gạch không nung cao hơn so với gạch nung truyền thống; các sản phẩm VLXKN thiếu sự thống nhất về quy cách, kích cỡ, gây khó khăn trong công tác thiết kế.

Riêng đối với các công trình nhà ở, do người dân vẫn giữ thói quen sử dụng gạch nung; thợ xây chủ yếu là tay ngang, chưa được đào tạo, tập huấn thao tác xây, trát, lắp đặt thiết bị âm tường đối với tường sử dụng VLXKN nên cũng gặp nhiều trở ngại”, anh Phan Văn Đức (Bố Trạch), một thợ xây nhiều kinh nghiệm cho biết thêm.

Để giải quyết vấn đề trên đồng thời tìm lời giải cho “bài toán” cung-cầu trong phát triển VLXKN trên địa bàn, thiết nghĩ cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các nhà máy sản xuất gạch không nung và chính quyền các cấp thông qua việc tăng cường công tác tuyên truyền, từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân trong sử dụng VLXKN thân thiện với môi trường; vận động, hỗ trợ các đơn vị mở rộng sản xuất, tăng thị phần VLXKN trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với các công trình xây dựng.

“Sở Xây dựng cũng đã kiến nghị Bộ Xây dựng hoàn thiện các văn bản pháp luật khuyến khích và bắt buộc sử dụng gạch không nung; rà soát và ban hành định mức phù hợp công tác xây gạch không nung; đề xuất đưa nội dung kỹ thuật thi công VLXKN vào chương trình đào tạo trong các trường đại học và cao đẳng nghề nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển VLXKN của Thủ tướng Chính phủ”, ông Hoàng Minh Thái, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết thêm.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Hiệp, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng-Bộ Xây dựng, đến năm 2020, nhu cầu vật liệu xây được ở nước ta dự báo khoảng 42 tỷ viên QTC/năm.

Nếu đáp ứng nhu cầu này hoàn toàn bằng gạch đất sét nung sẽ tiêu tốn rất nhiều tài nguyên: khoảng 60 triệu m3 đất sét (tương đương 3.000 ha đất nông nghiệp); khoảng 5,6 triệu tấn than; đồng thời, thải ra môi trường khoảng 17 triệu tấn CO2.

 

baoquangbinh.vn

Tags :

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Hotline: 0907207555

Sản phẩm đã được thêm vào giỏ hàng

product-image

Số lượng:

Tổng tiền:

Sản phẩm đã được thêm vào giỏ hàng

Phí vận chuyển: Tính khi thanh toán

Tổng tiền thanh toán: