Ngành vật liệu xây dựng: Cơ giới hóa, tự động hóa cao

Ngành vật liệu xây dựng: Cơ giới hóa, tự động hóa cao

25/08/2020

Phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) của nước ta đã bắt đầu hướng đến áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ (KH&CN), quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động hội nhập quốc tế cũng như hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh.

Dây chuyền sản xuất gạch không nung

Đổi mới và phát triển

Tiến sĩ Nguyễn Quang Hiệp - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng - cho biết, cùng với sự phát triển chung của đất nước, ngành VLXD những năm qua không ngừng được đầu tư, đổi mới và phát triển. Trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, VLXD đều có sự chuyển biến tích cực. Các dây chuyền sản xuất theo công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, tiêu tốn nguyên liệu, nhiên liệu, hiệu quả thấp, gây ô nhiễm môi trường từng bước được loại bỏ.

Các nhà máy mới được đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại. Nhiều dây chuyền được trang bị, mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao, trình độ công nghệ đạt ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.

Dẫn chứng cụ thể, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hiệp cho hay, trong sản xuất xi măng, các dự án đầu tư sau năm 2011 đều sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trên thế giới, đạt tiêu chuẩn châu Âu. Đặc biệt, có những dây chuyền sản xuất đã đi vào vận hành với công suất lớn (từ 4,5-5 triệu tấn xi măng/năm) và công nghệ hiện đại nhất trên thế giới hiện nay như: Dây chuyền 2 Nhà máy xi măng Công Thanh, dây chuyền 2 và dây chuyền 3 (đang đầu tư) của Nhà máy xi măng Xuân Thành.

Tương tự, cả nước hiện có 93 đơn vị sản xuất gạch gốm ốp lát, hầu hết có trình độ công nghệ ngang bằng với các nước trong khu vực và thế giới, tạo khả năng sản xuất sản phẩm đạt chất lượng cao, mẫu mã phong phú đa dạng, thay thế sản phẩm nhập ngoại và một phần xuất khẩu.

Đáng chú ý, cả nước có 2.300 cơ sở sản xuất gạch không nung được đầu tư với tổng công suất thiết kế đạt 12,6 tỷ viên/năm. Năm 2019, sản xuất đạt gần 6 tỷ viên quy tiêu chuẩn chiếm khoảng 26-28% tổng sản lượng gạch xây.

Ưu tiên dự án sử dụng công nghệ tiên tiến.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Hiệp đề xuất, trong giai đoạn năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cần phát triển ngành VLXD hiệu quả, bền vững, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước, từng bước tăng cường xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp cận, ứng dụng nhanh nhất các thành tựu KH&CN, quản lý, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bên cạnh đó, cần loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất lạc hậu, tiêu tốn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, ưu tiên đầu tư dự án sản xuất VLXD mới, các dự án công suất lớn sử dụng công nghệ tiên tiến ở những vùng có điều kiện thuận lợi về nguyên liệu, phát triển công nghiệp, hạ tầng giao thông và gần thị trường tiêu thụ; dự án sử dụng khối lượng lớn chất thải từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp và rác thải sinh hoạt. Đặc biệt, tận dụng tối đa tro, xỉ, thạch cao phát thải từ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón và các cơ sở công nghiệp khác làm nguyên liệu, phụ gia sản xuất VLXD.

Đồng quan điểm, đại diện Hội VLXD Việt Nam đề xuất, thời gian tới, nhà nước cần chấm dứt hoạt động những cơ sở sản xuất không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng sản phẩm và môi trường; nâng thuế suất thuế tài nguyên đối với đất sét để sản xuất gạch nung; ban hành quy định về chứng nhận và dán "nhãn xanh" cho các sản phẩm vật liệu xây; miễn, giảm thuế giá trị gia tăng cho sản phẩm vật liệu xây được chứng nhận và dán "nhãn xanh"...

congthuong.vn

Tags :

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Hotline: 0907207555

Sản phẩm đã được thêm vào giỏ hàng

product-image

Số lượng:

Tổng tiền:

Sản phẩm đã được thêm vào giỏ hàng

Phí vận chuyển: Tính khi thanh toán

Tổng tiền thanh toán: