Lục Nam (Bắc Giang): Nhiều cơ sở sản xuất gạch theo công nghệ lò vòng đứng bên bờ vực phá sản

Lục Nam (Bắc Giang): Nhiều cơ sở sản xuất gạch theo công nghệ lò vòng đứng bên bờ vực phá sản

20/08/2019

Sau tối hậu thư của UBND tỉnh Bắc Giang về việc khai tử các hoạt động sản xuất gạch sét nung theo công nghệ lò vòng trên địa bàn toàn tỉnh trong tháng 8/2019. Nhiều chủ cơ sở sản xuất gạch lò vòng tại huyện Lục Nam đang hết sức hoang mang, bế tắc khi cả cơ ngơi gây dựng trong nhiều năm đang mấp mé bên bờ vực phá sản.

Ông Hoàng Văn Hiện - Chủ cơ sở sản xuất gạch lò vòng tại thôn Hố Chúc tỏ ra hoang mang khi có Quyết định dừng hoạt động.

Báo điện tử Xây dựng nhận được đơn thư của ông Hoàng Văn Hiện – Chủ cơ sở sản xuất gạch lò vòng tại thôn Hố Chúc, xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, đại diện cho tất cả các chủ cơ sở sản xuất gạch bằng công nghệ lò vòng trên địa bàn toàn huyện Lục Nam đề nghị được gia hạn thời gian hoạt động sản xuất.

Nội dung đơn thư nêu rõ: Ngày 9/5/2019, UBND tỉnh Bắc Giang đã có văn bản chỉ đạo cho các huyện có cơ sở sản xuất gạch bằng công nghệ lò vòng phải chấm dứt hoạt động trước ngày 1/6/2019. Ngay sau khi nhận được thông báo này 15 cơ sở sản xuất trên toàn huyện vô cùng hoang mang. Để đầu tư cho một cơ sở sản xuất gạch theo công nghệ lò vòng, mỗi cơ sở đã phải bỏ ra số vốn đầu tư khoảng trên dưới 30 tỷ đồng. Số vốn này là rất lớn, nếu xây dựng xong nhà máy chỉ hoạt động được được từ 4 – 5 năm (chưa hết khấu hao) thì các cơ sở không thể thu hồi được vốn, chứ chưa nói đến việc có lãi. Hơn nữa trong quá trình kinh doanh bán sản phẩm, tất cả các cơ sở sản xuất gạch đều bị nợ đọng vốn. Do vậy, nếu các cơ sở sản xuất gạch bị chấm dứt hoạt động theo quyết định của UBND tỉnh Bắc Giang thì cuộc sống của các chủ cơ sở sản xuất gạch và toàn bộ người lao động sẽ đi vào ngõ cụt, không có lối thoát. Nếu chưa thu hồi được vốn đầu tư thì chắc chắn sẽ vỡ nợ.

Do vậy, các chủ cơ sở sản xuất gạch bằng công nghệ lò vòng trên địa bàn toàn huyện Lục Nam đề nghị được gia hạn hoạt động sản xuất thêm một thời gian nữa theo diện miền núi (theo diện miền núi các cơ sở này sẽ được phép hoạt động đến năm 2020) để có cơ hội thu hồi lại vốn đầu tư và duy trì việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Từ đó, sẽ dần chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch sang công nghệ tuynel.

Để làm rõ những kiến nghị trên, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có buổi làm việc với một số chủ cơ sở sản xuất gạch tại huyện Lục Nam. Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Hiện - Chủ cơ sở sản xuất gạch lò vòng tại thôn Hố Chúc, xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang cho biết: Hiện nay công nghệ của chúng tôi đã được cải thiện rất nhiều so với những lò gạch thủ công trước đây, tất cả các cơ sở của chúng tôi đều lắp đặt thiết bị máy móc tương đối hoàn chỉnh và hiện đại, giảm tối đa sức lực của con người, từ khâu nhào trộn, sản xuất gạch mộc (gạch chưa nung), tất cả đều theo điều khiển tự động. Quá trình đưa gạch vào lò để nung đốt và ra lò đều theo quy trình khép kín và được trang bị đầy đủ xe nâng, xe điện để vận chuyển gạch vào lò và ra lò, do đó lượng khói bụi được giảm tối đa. Bên cạnh đó, các cơ sở của chúng tôi đều xây dựng ống thu khói đúng tiêu chuẩn về chiều cao. Khói trước khi được nhả ra môi trường đều được xử lý bằng công nghệ lọc cacbon và nước vôi, nên khói nhả ra môi trường là khói trắng, với số lượng rất ít.

Hiện nay, gần như 100% các cơ sở trên địa bàn huyện đều phải cầm cố tài sản để vay vốn ngân hàng, trong khi thời điểm gần đây giá thành gạch lại tương đối rẻ dẫn đến việc ứ đọng. Tính đến nay, các cơ sở này mới có khoảng 9 năm hoạt động, vì vậy chưa thể nào thu hồi được vốn. Trong khi đó, nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, bảo hiểm cho người lao động đều được các cơ sở thực hiện nghiêm túc.

Cũng theo ông Hiện, các cơ sở sản xuất đều được đặt xa nhà dân và từ trước đến nay người dân cũng chưa từng có phản ánh liên quan đến việc ô nhiễm. Bên cạnh đó, một năm các cơ sở của chúng tôi đều thuê đơn vị quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường về quan trắc 3 lần/năm.

“Chúng tôi đề nghị được tiếp tục tạo điều kiện hoạt động thêm một thời gian nữa. Nếu bắt buộc phải dừng hoạt động thì các cơ quan chức năng cần có những phương án hỗ trợ các doanh nghiệp vì nếu dừng hoạt động chúng tôi sẽ mất tất cả. Lãi ngân hàng, tiền bảo hiểm cho người lao động thì ai sẽ là người trả?”, ông Hiện chia sẻ.

Thời hạn thuê đất đến năm 2027 nhưng việc phải dừng hoạt động tại thời điểm hiện tại sẽ khiến nhiều cơ sở điêu đứng và nguy cơ phá sản hiển hiện.

Cũng lâm vào hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” là Hợp tác xã sản xuất gạch Mai Sơn, địa chỉ tại thôn Mai Sơn, xã Cẩm Lý. Ông Vũ Văn Giang – Chủ cơ sở này cho biết: Chúng tôi bắt đầu khởi công từ năm 2009, đến năm 2011 chính thức đưa vào sản xuất. Theo hợp đồng thuê đất chúng tôi được sử dụng đến năm 2027, chính vì vậy chúng tôi mới mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng cơ sở sản xuất. Do những năm đầu còn gặp nhiều khó khăn nên sản lượng và chất lượng vẫn chưa ổn định, đến thời điểm hiện tại khi đã ổn định sản xuất thì lại có chủ trương dừng hoạt động. Như vậy, thiệt hại đầu tiên sẽ là các cơ sở vì để làm được chúng tôi đều phải cầm cố tài sản cho ngân hàng. Tiếp theo sẽ là thiệt hại cho người lao động.

“Chúng tôi chỉ muốn biết, nếu phải dừng ngay lập tức thì thiệt hại của chúng tôi ai sẽ là người chịu thiệt hại cho doanh nghiệp. Trong khi đó mọi giấy tờ, thủ tục, nghĩa vụ với Nhà nước, với người lao động đều được chúng tôi thực hiện đầy đủ”, ông Vũ Văn Giang chia sẻ.

Được biết, hiện tại Hợp tác xã sản xuất gạch Mai Sơn hiện có khoảng 60 – 70 lao động, với mức thu nhập bình quân 350.000 – 400.000/người/ngày. Toàn bộ lao động đều là người địa phương và lao động theo dạng thời vụ.

Khi được hỏi vì sao không chuyển qua xây dựng lò tuynel, các chủ cơ sở này cho biết, việc chuyển đổi sang lò tuynel sẽ phải mất một khoảng kinh phí rất lớn khoảng 50 tỷ đồng, tuy nhiên trong tình trạng này sẽ không có ngân hàng nào dám các cơ sở này vay vốn.

Các cơ sở này tạo nguồn thu nhập chính của nhiều lao động tại địa phương trong lúc rảnh rỗi, nông nhàn.

Lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng của Thủ tướng Chính phủ là chủ trương đúng đắn và phù hợp với sự phát triển của ngành Vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, đối với địa bàn còn nhiều khó khăn như huyện Lục Nam, các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Giang cần có những khảo sát, đánh giá và đưa ra những phương án, lộ trình phù hợp để tránh gây thiệt hại cho những doanh nghiệp đã và đang đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Tránh đẩy những người dám nghĩ, dám làm, dám mạnh dạn phát triển kinh tế vào nguy cơ phá sản.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả.

baoxaydung.com.vn

Tags :

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Hotline: 0907207555

Sản phẩm đã được thêm vào giỏ hàng

product-image

Số lượng:

Tổng tiền:

Sản phẩm đã được thêm vào giỏ hàng

Phí vận chuyển: Tính khi thanh toán

Tổng tiền thanh toán: