Gạch không nung chiếm 30% thị trường vật liệu xây

Gạch không nung chiếm 30% thị trường vật liệu xây

24/12/2019

“Để tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam, cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp: Hoàn thiện các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, khuyến khích sử dụng, tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền ưu điểm, lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường của việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, phổ biến kiến thức, nội dung liên quan đến sản xuất và sử dụng vật liệu này đến các chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát và người dân”ông Võ Quang Diệm -Chuyên gia Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung tại Việt Nam”, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.

Dây chuyền sản xuất gạch không nung

PV: Một trong những vấn đề quan trọng khiến gạch không nung gặp khó khăn trong đầu ra, đó là người dân còn băn khoăn về chất lượng sản phẩm? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? 
Ông Võ Quang Diệm: Băn khoăn của người dân là có lý do, vì trong thời gian qua có một số công trìnhsử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN)để xảy ra hiện tượng nứt, thấm làm thiệt hại về kinh tế, giảm mỹ quan, bất tiện khi sinh hoạt, làm cho người sử dụng chưa thực sự hài lòng với chất lượng công trình sử dụng VLXKN, dẫn đến tâm lý ngại sử dụng loại vật liệu này. Nguyên nhân gây nứt thấm khi sử dụng VLXKN có nhiều, nhưng có thể do một trong ba nguyên nhân sau: Do VLXKN không đạt yêu cầu chất lượng; Do tính toán, thiết kế, hướng dẫn sử dụng VLXKN chưa bài bản, chi tiết; Do thi công, nghiệm thu chưa tuân thủ đúng quy trình. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định, nếu sản phẩm gạch không nung (GKN) sản xuất, dưỡng hộ, kiểm soát chất lượng chặt chẽ, đúng quy trình kỹ thuật, chỉ đưa các sản phẩm đủ tuổi xuất xưởng vào công trình xây dựng thì có thể loại bỏ nguyên nhân gây nứt do chất lượng gạch. Nói cách khác, nếu sản phẩm gạch không nung đủ tuổi (28 ngày) mới đưa vào xây dựng, khi thể tích viên GKN đã ổn định, cường độ đạt cường độ thiết kế, công trình được tính toán, thiết kế bài bản, hướng dẫn sử dụng vật liệu chi tiết, thi công, nghiệm thu đúng quy trình sẽ không xảy ra nứt và thấm.
Về chất lượng VLXKN, nhiều đơn vị sản xuất đã đầu tư các dây chuyền công nghệ hiện đại, tự động hóa hoàn toàn, làm chủ được công nghệ, kiểm soát chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất chặt chẽ, đặc biệt là dưỡng hộ đúng quy trình, kiểm soát và xuất xưởng sản phẩm đúng tuổi thì chất lượng GKN đạt TCVN 6477:2016 và QCVN 16:2017/BXD.Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều doanh nghiệp sử dụng dây chuyền quy mô nhỏ, cân đong, định lượng phối liệu thủ công, trình độ công nghệ thấp, chưa làm chủ được công nghệ sản xuất, không coi trọng việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, tạo ra những sản phẩm kém chất lượng, xuất xưởng sản phẩm chưa đủ tuổi, chưa ổn định thể tích đưavào công trình xây dựng là một trong những nguyên nhân gây nên hiện tượng nứt, thấm, gây nên tâm lý ngại dùng, ảnh hưởng đến thị phần tiêu thụ VLXKN. Để xảy ra tình trạng này do các đơn vị sản xuất thiếu kiến thức về GKN, thiếu chuyên gia về vật liệu. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát chất lượng sản phẩm của cơ quan quản lý nhà nước chưa nghiêm, công tác thẩm định thiết kế, dự toán, xử lý vi phạm các quy định sử dụng VLXKN chưa được thực hiện triệt để.
Nhìn chung, nhận thức về VLXKN đã được thay đổi, được quán triệt tốt hơn từ cán bộ quản lý nhà nước, nhà sản xuất, chủ đầu tư các công trình xây dựng, tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công đến người dân.VLXKN ngày càng được sử dụng rộng rãi cho các dự án sử dụng vốn ngân sách, các công trình vốn FDI, các nguồn vốn khác và cả nhà dân, nhiều nhà thầu đã sử dụng VLXKN cho các chung cư cao tầng. Lợi ích kinh tế, môi trường của việc sử dụng VLXKN mang lại là rất rõ ràng: Tiết kiệm vữa xây, trát, thi công nhanh, năng suất lao động cao, cơ giới hóa được công tác xây, trát, chi phí khối xây giảm, cách âm, cách nhiệt tốt (Đối với gạch nhẹ), diện tích sàn tăng…Tôi nghĩ rằng, sử dụng VLXKN là xu hướng tất yếu của Việt Nam phù hợp với xu hướng chung của thế giới, họ đã sử dụng từ lâu và đạt được tỷ lệ cao

PV: Vậy theo ông, để các sản phẩm GKN được sử dụng rộng rãi hơn trong cuộc sống, trong thời gian tới, cần tập trung vào những giải pháp nào? 
Ông Võ Quang Diệm: Theo tôi, cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp: Hoàn thiện các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, khuyến khích sử dụng, tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền ưu điểm, lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường của việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, phổ biến kiến thức, nội dung liên quan đến sản xuất và sử dụng vật liệu này đến các chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát và người dân để làm thay đổi và sâu sắc hơn nhận thức về VLXKN.
- Về các chính sách khuyến khích đầu tư, đã được quy định trong Luật Đầu tư, Nghị định số 118/2018/NĐ-CP và các Điều 38, 39 và 40 của Nghị định 24a/2016/NĐ-CP, tuy nhiên rất ít các nhà đầu tư được hưởng các ưu đãi này, đó là điều hết sức đáng tiếc. Thời gian tới cần đẩy mạnh phổ biến rộng rãi các quy định này, hướng dẫn chi tiết, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư sản xuất GKN được hưởng các ưu đãi theo quy định của pháp luật.
- Về đầu tư, nên khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất GKN có trình độ công nghệ cao, tự động hóa hoàn toàn, sử dụng năng lượng mặt trời để dưỡng hộ gạch bê tông là một mô hình hiệu quả, nên nhân rộng.
- Về chính sách khuyến khích sử dụng, cần hoàn thiện và ban hành đồng bộ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn thiết kế, hướng dẫn sử dụng VLXKN, quy trình thi công, nghiệm thu, định mức khối xây, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc sử dụng loại vật liệu này an toàn, hiệu quả trong các công trình xây dựng.
- Cần tuyên truyền, phổ biến, quán triệt rộng rãi quy định sử dụng VLXKN theo Thông tư số 13/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng. Chấn chỉnh và đẩy mạnh công tác thẩm định thiết kế, dự toán, tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử phạt vi phạm các quy định sử dụng VLXKN theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP. Bên cạnh đó cần triệt để thi hành lộ trình xóa bỏ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sản xuất gạch đất sét nung, hạn chế và nên có lộ trình dừng đầu tư mới, đầu tư mở rộng các lò gạch tuynel, lò trần phẳng, lò tuynel xoay…
- Công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo công nhân kỹ thuật xây GKN cần được đẩy mạnh. Việc biên soạn giáo trình đào tạo kiến thức VLXKN cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng nghề là hết sức cần thiết. Các tài liệu hướng dẫn sử dụng VLXKN, hướng dẫn thi công và nghiệm thu công trình xây bằng VLXKN cần được phổ biến rộng rãi bằng nhiều hình thức.
- Cần có biện pháp và tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm GKN của các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, ngăn chặn việc cạnh tranh không lành mạnh.
Khi các giải pháp nêu trên được thực hiện một cách đồng bộ, thường xuyên thì chất lượng sản phẩm GKN luôn đạt yêu cầu, chất lượng công trình xây dựng bằng VLXKN được đảm bảo. Cần làm chongười dân nhìn thấy việc sử dụng GKN mang lại nhiều lợi ích kinh tế, môi trường thì nhận thức sẽ thay đổi và sử dụng GKN sẽ là sự lựa chọn của họ.

PV: Trong thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Xây dựng đã thực hiện Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam”,là chuyên gia của Dự án, xin ông chia sẻ về sự hỗ trợ của Dự án này? 
Ông Võ Quang Diệm: Mục tiêu của Dự án là cắt giảm tỷ lệ tăng hàng năm mức phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính bằng việc tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam, thay thế dần sản xuất gạch đất sét nung sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đất nông nghiệp, đồng thời hỗ trợ triển khai thành công “Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020” theo Quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Tôi có thể khẳng định rằng, Chương trình 567 thành công, đạt được mục tiêu đề ra có sự đóng góp hết sức to lớn của Dự án này.
Dự án có 4 hợp phần chính, Hợp phần 1: Hỗ trợ xây dựng,bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng gạch không nung. Các kết quả của hợp phần này có thể kể ra là Dự án đã góp phần bổ sung, hoàn thiện các chính sách liên quan đến GKN trong Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, hỗ trợ xây dựng, ban hành Thông tư số 13/2017/TT-BXDquy định sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng thay thế Thông tư số 09/2012/TT-BXD. Hỗ trợ soát xét, ban hành 03 TCVN về bê tông nhẹ; Hỗ trợ nhiệm vụ nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn làm căn cứ xây dựng 03 TCVN về tấm tường bê tông khí chưng áp có cốt thép. Những hỗ trợ này đã góp phần từng bước loại bỏ các rào cản đối vớiviệc sử dụng rộng rãi GKN trong các công trình xây dựng.
Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng Chiến lược phát triển thị trường VLXKN mà Dự án tổ chức biên soạn đã có tác động và là một đóng góp tích cực, hiệu quả cả về phương pháp lẫn nội dung, góp phần giúp các chuyên gia Việt Nam xây dựng thành công Chiến lược Phát triển VLXD Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
Hợp phần 2 là một trong những nội dung quan trọng của Dự án, đó là nâng cao kiến thức và năng lực kỹ thuật cho các lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất và sử dụng GKN, các tổ chức cung cấp dịch vụ kỹ thuật, các nhà đầu tư, các tổ chức tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công và cơ quan quản lý xây dựng địa phương thông qua chương trình đào tạo của Dự án. 05 bộ tài liệu kiến thức về GKN đã được biên soạn; 01 tài liệu đào tạo và 01 phim video về quy trình thi công, nghiệm thu công trình xây bằng GKN đã được sản xuất; tổ chức được 26 khóa đào tạo cho gần 1.800 học viên đến từ 63 tỉnh, thành phố về các nội dung:
- Kiến thức cơ bản về GKN, chính sách và tiêu chuẩn;
- Thi công nghiệm thu khối xây bằng VLXKN;
- Công nghệ sản xuất gạch bê tông khí chưng áp (AAC);
- Công nghệ sản xuất gạch bê tông (CBB);
- Lập dự án đầu tư và hồ sơ vay vốn cho các dự án GKN.
Trong khuôn khổ triển khai Hợp phần 3, Dự án đã hỗ trợ 36 doanh nghiệp vay vốn ưu đãi của Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam và vốn thương mại để đầu tư và sản xuất GKN với tổng nguồn vốn vay là 567,5 tỷ đồng.
Cuối cùng, xây dựng các dự án demo và dự án nhân rộng, để phổ biến những công nghệ tiên tiến, hiệu quả cho các doanh nghiệp, trong đó đã hỗ trợ được 3 dự án demo và 21 dự án nhân rộng theo các tiêu chí: Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng dự án khả thi; Hỗ trợ thiết kế kỹ thuật; Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và hoàn thiện thủ tục để có thể vay được vốn ưu đãi của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam; Tính toán, tối ưu hóa phối liệu, đào tạo, chuyển giao công nghệ; Lập hồ sơ để cấp giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm GKN cho doanh nghiệp…
Nhìn chung, các nội dung của Dự án được thực hiện một cách bài bản và doanh nghiệp khẳng định sự hỗ trợ của Dự án đối với doanh nghiệp là rất cần thiết và phát huy hiệu quả không những về mặt kinh tế mà còn mở ra một hướng công nghệ mới.

PV: Sử dụng GKN được coi là xu hướng tất yếu bởi mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao. Xin ông chia sẻ về thị phần GKN so với vật liệu xây hiện nay ở Việt Nam?
Ông Võ Quang Diệm: Mục tiêu của Chương trình phát triển VLXKN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 567/QĐ-TTg là phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20-25% vào năm 2015 và 30-40% vào năm 2020. Từ năm 2015, bắt đầu triển khai Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng GKN ở Việt Nam” đã tạo ra một xung lực mới, một sự chuyển biến trong nhận thức chung nhờ huy rộng được rộng rãi toàn xã hội vào cuộc trong việc triển khai thực hiện Quyết định 567, tạo ra sự tăng trưởng về thị phần tiêu thụ VLXKN rất đáng ghi nhận. Điều khó khăn nhất hiện nay là sự cạnh tranh thị trường giữa GKN với gạch đất sét nung rất khốc liệt. Mặc dù hiện nay đã có 35/63 tỉnh có chỉ thị của UBND về việc xóa bỏ sản xuất gạch nung thủ công và tăng cường sử dụng VLXKN; 45/63 tỉnh có xây dựng kế hoạch, lộ trình giảm sản xuất gạch nung nhưng việc triển khai thực hiện vẫn rất lúng túng, thiếu nguồn lực và không triệt để. Nhiều địa phương cấp phép đầu tư các lò tuynel trần phẳng, lò tuynel xoay công suất lớn, đưa ra thị trường sản phẩm gạch nung rất cạnh tranh gây khó khăn lớn cho việc tiêu thụ VLXKN.
Qua điều tra thực tế, đánh giá thị trường của Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam”, chúng tôi nhận thấy, số lượng cơ sở sản xuất GKN đã tăng lên hơn 2.300 (Trong đó số doanh nghiệp có quy mô công suất từ 7 triệu viên trở lên có trên 360 doanh nghiệp)với tổng công suất thiết kế (Năm 2018) đạt khoảng 12,6 tỷ viên QTC/năm chiếm khoảng 35% tổng công suất thiết kế vật liệu xây. Năm 2018, sản lượng VLXKN toàn quốc đạt gần 5 tỷ viên QTC, chiếm khoảng 25% tổng sản lượng vật liệu xây (Trong khi năm 2010 chỉ chiếm khoảng 8%). Dự kiến đến năm 2020, thị phần VLXKN sẽ đạt khoảng từ 29-30% trong tổng số vật liệu xây, đạt mục tiêu khiêm tốn của Chương trình 567 đã đề ra.
Nguyên nhân khiến GKN tiêu thụ chậm, như đã phân tích ở trên là do rất nhiều yếu tố: Thói quen, quan niệm sử dụng vật liệu nung của người Việt, chính sách hạn chế phát triển gạch nung chưa triệt để, một số tồn tại trong quản lý, sản xuất, thiết kế và thi công, nghiệm thu. Nhưng trong tương lai, thị trường tiêu thụ sản phẩm GKN sẽ phát triển vì GKN có nhiều ưu điểm, lợi thế, về môi trường, giá thành, chất lượng công trình… Việc sử dụng GKN trên thế giới đã có từ lâu với tỷ lệ sử dụng rất cao.
PV: Xin cảm ơn ông!
 

 

congthuong.vn

Tags :

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Hotline: 0907207555

Sản phẩm đã được thêm vào giỏ hàng

product-image

Số lượng:

Tổng tiền:

Sản phẩm đã được thêm vào giỏ hàng

Phí vận chuyển: Tính khi thanh toán

Tổng tiền thanh toán: