-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Thực hiện thành công lộ trình sản xuất gạch không nung
04/06/2024
Công ty TNHH xuất nhập khẩu và thiết bị xây dựng
Hoàng Hà
Dù được Chính phủ khuyến khích phát triển, dù lợi ích mang lại rõ rệt như bảo vệ môi trường, song gạch không nung ở Việt Nam chưa phát triển như kỳ vọng, nhiều nhà máy phải đóng cửa, nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng do hạn chế đầu ra. Vì chưa thể đồng bộ các giải pháp như hướng dẫn thi công đúng quy cách, chưa có cơ chế khuyến khích đủ mạnh như cơ chế hỗ trợ thuế... đó là những nguyên nhân chính dẫn đến các nhà máy gạch không nung đang như “ngọn đèn lay lắt trước gió”.
Gạch không nung vẫn chưa phát triển như kỳ vọng (ảnh minh họa). |
Cần có cơ chế đặc thù
Theo Chương trình phát triển vật liệu không nung (VLKN) trong xây dựng tại Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc sản xuất và sử dụng VLKN thay thế một phần gạch đất sét nung sẽ đạt tỷ lệ 35-40% vào năm 2025; 40-45% vào năm 2030 trong tổng số vật liệu xây dựng.
Sau hơn 10 năm thực hiện Quyết định số 567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc đầu tư, sản xuất và sử dụng VLKN, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã có những chuyển biến tích cực như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Bắc Ninh... nhiều công trình cả khu vực Nhà nước lẫn tư nhân 1 thời gian hướng tới sử dụng gạch không nung, đưa ra tỷ lệ số lượng gạch không nung sử dụng trong công trình như là 1 giải pháp để dần hạn chế gạch nung, hướng tới bảo vệ môi trường. Thích ứng nhu cầu thị trường, nhiều nhà máy đã nghiên cứu sản xuất đa dạng nhiều loại gạch như: gạch bê tông xi măng cốt liệu; gạch bê tông khí chưng áp, không chưng áp; gạch bê tông bọt; tấm bê tông rỗng đùn ép, tấm tường bê tông khí chưng áp...
Song, trên thực tế sau 1 thời gian sử dụng, thị trường bắt đầu có những đánh giá, nhìn nhận dòng sản phẩm và ghi nhận1 số hạn chế cả về mặt kỹ thuật lẫn chính sách và thói quen tiêu dùng khiến cho gạch không nung khó cạnh tranh với các loại gạch nung truyền thống, từ đó thị trường gạch không nung có xu hướng giảm cả về số lượng nhà máy và sản lượng tiêu thụ.
Qua tìm hiểu được biết, số lượng các cơ sở sản xuất VLKN đang có dấu hiệu giảm. Hiện, cả nước có khoảng 1.600 cơ sở sản xuất VLKN đang hoạt động, tổng công suất thiết kế khoảng 10,2 tỷ viên/năm; trong khi năm 2019, cả nước đã có khoảng hơn 2.000 cơ sở, với tổng công suất thiết kế khoảng 12,6 tỷ viên. Số lượng cơ sở sản xuất lại đang có nguy cơ bị thu hẹp tiếp nếu không có cơ chế, chính sách thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc sản xuất và tiêu thụ VLKN.
Theo phản ánh từ các doanh nghiệp sản xuất VLKN, khâu tiêu thụ loại vật liệu này gặp nhiều khó khăn, lượng hàng tồn tương đối lớn, các nhà máy chỉ dám chạy dưới 50% công suất. Ví dụ như tại tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh có 49 cơ sở sản xuất gạch không nung với công suất thiết kế hơn 1 triệu viên/năm. Tuy nhiên, sản lượng chỉ đạt từ 25% đến dưới 40% công suất thiết kế. Đặc biệt, sản lượng sản xuất và tiêu thụ loại vật liệu này trong 2 năm trở lại đây đã giảm liên tiếp 5-6%/năm. Còn tại tỉnh Hải Dương, 3/5 doanh nghiệp sản xuất VLKN trên địa bàn đã phải dừng sản xuất do khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Tại tỉnh Nghệ An, hiện có 430 cơ sở chủ yếu là các hộ tư nhân sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm chủ yếu là gạch xi măng (táp lô). Trong đó, có trên 8 nhà máy quy mô vừa và nhỏ sản xuất gạch cốt liệu, gạch bê tông bọt, gạch không nung làm từ đất theo công nghệ Polime hóa... với tổng công suất thiết kế gần 350 triệu viên/năm; sản lượng thực tế gần 170 triệu viên/năm. Hiện nay, lượng hàng tồn khá lớn, các nhà máy chỉ dám chạy 1/2-1/3 công suất, thậm chí có nhiều nhà máy đang phải dừng hoạt động. Tình hình cũng tương tự ở nhiều địa phương như Khánh Hòa, Bình Phước, Cao Bằng, Thái Nguyên.
Có nhiều nguyên nhân khiến VLKN có xu hướng sụt giảm sản lượng. Theo các chuyên gia, nguyên nhân đầu tiên là đa số người dân vẫn chưa có thói quen sử dụng VLKN. Sản phẩm này lại không có tính cạnh tranh kinh tế so với các loại vật liệu nung. Mặt khác, chất lượng sản phẩm chưa được đảm bảo do ở nhiều địa phương, các cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ, các cơ quan quản lý khó kiểm soát. Trên thực tế, có không ít cơ sở sản xuất quy mô nhỏ và vừa, có trình độ công nghệ chỉ đạt mức trung bình, cho ra sản phẩm chất lượng thấp, dẫn đến tình trạng gạch bê tông chưa đủ ngày tuổi đã đưa vào công trình, gây hiện tượng co ngót, rạn nứt.
Một khó khăn rất lớn nữa khiến VLKN chưa phát triển được, đó là hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật liên quan đến VLKN vẫn chưa hoàn chỉnh. Theo Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, hiện các tiêu chuẩn sản phẩm, quy phạm xây dựng, kết cấu kiến trúc, đơn giá xây dựng của các loại VLKN chưa được ban hành đồng bộ, đầy đủ từ các cơ quan quản lý. Do vậy, kiến trúc sư và kỹ sư thiết kế xây dựng gặp khó khăn trong việc chỉ định thiết kế, dự toán khối lượng vật liệu cho công trình. Đó là chưa kể, nhiều loại vật liệu mới chưa được ban hành hướng dẫn thi công và nghiệm thu đồng bộ, gây lúng túng, bất tiện cho các đơn vị thi công.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng về vấn đề này, ông Trần Bá Việt, Tổng Thư ký Hiệp hội Bê tông chia sẻ: “Hiện nay, cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng gạch không nung và chất lượng thi công, cần thiết phải tiếp tục phổ biến, in thêm tài liệu hướng dẫn phương pháp thi công đúng quy cách phát tới từng Sở Xây dựng các tỉnh, từ đó phổ biến rộng rãi tới các công ty tư vấn, công ty thi công, đội ngũ thợ xây, cán bộ, kỹ sư, công nhân viên ngành Xây dựng. Bên cạnh đó, quy trình thi công chưa được đào tạo, phổ biến sâu, rộng nên khi thi công theo phương pháp của gạch đỏ (không có giằng tường, chia khe, chia nhỏ nhịp, gia cường vải thủy tinh chéo góc ở các góc nửa, neo cột...) là không đúng quy trình, dẫn tới bị nứt tường do có sự co ngót. Đây là vấn đề quan trọng nhất, nếu khắc phục được thì gạch không nung thở thành loại vật liệu rất tốt, phổ biến, góp phần bảo vệ môi trường. Hiện, việc đào tạo, phổ biến, hướng dẫn thi công đối với gạch không nung mới chỉ dừng lại ở số ít đội ngũ kỹ sư, chưa phổ cập được.
Chúng ta đã có quy định về chất lượng và tỷ lệ sử dụng gạch không nung cho các công trình có nguồn vốn ngân sách, tuy nhiên các đơn vị không thực hiện đúng quy định này, cần tăng cường công tác thanh tra của các Sở Xây dựng về chất lượng gạch cũng như cần phải giám sát chặt chẽ tỷ lệ sử dụng gạch không nung ngay từ khâu thẩm định thiết kế”.
Góp ý về giải pháp tăng cường sử dụng gạch không nung, ông Trần Bá Việt cho rằng, nếu có thể miễn thuế VAT phần gạch không nung cho các công trình sử dụng gạch không nung, đồng thời cần phải đánh thuế VAT đối với gạch nung, thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên thì cơ bản sẽ giải quyết được vấn đề.
Cũng theo ông Trần Bá Việt, một số công trình lớn sử dụng gạch không nung như trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, trụ sở TKV, chung cư của Sông Đà Việt Đức ở Lê Văn Lương được xây đúng kỹ thuật thì không vấn đề gì, còn các công trình nhỏ, thợ xây không được đào tạo thì mới bị nứt.
Dần hoàn thiện quy chuẩn
Theo Chương trình phát triển VLKN tại Việt Nam, mục tiêu sử dụng VLKN trong các công trình xây dựng giai đoạn đến năm 2025: Tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công phải có tỷ lệ sử dụng VLKN so với tổng lượng vật liệu xây tối thiểu 90%; tại các tỉnh còn lại, các đô thị từ loại III trở lên phải sử dụng tối thiểu 70% (trừ thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ sử dụng tối thiểu 80%); tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50%; các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% VLKN so với tổng lượng vật liệu xây, trong đó ưu tiên sử dụng cấu kiện nhẹ, kích thước lớn.
Nếu thi công đúng cách, nếu được hỗ trợ về thuế sẽ giải quyết được bài toàn khó của gạch không nung hiện nay. |
Để tăng cường sử dụng VLKN trong xây dựng, được biết, thời gian qua Bộ Xây dựng đã chủ trì trình Chính phủ ban hành các văn bản thúc đẩy phát triển các loại vật liệu xây dựng mới như: Nghị định 09/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng; Chỉ thị 08/CT-TTg về đẩy mạnh sử dụng tro, xỉ, thạch cao… Đặc biệt gần đây, Bộ Xây dựng đã triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu, sản xuất ra các loại vật liệu mới theo hướng đẩy mạnh việc tận dụng phế thải công nghiệp, góp phần hạ giá thành sản phẩm. Các sản phẩm đáng chú ý là gạch sản xuất từ bùn đỏ, tro bay nhiệt điện; bê tông từ phế thải của các nhà máy sản xuất phân bón… Bước đầu, các sản phẩm này cho thấy có hiệu quả kinh tế kỹ thuật và hứa hẹn có thể ứng dụng rộng rãi.
Từ đó, các chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn định mức kinh tế, kỹ thuật liên quan đến VLKN sẽ dần hoàn thiện và tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng sản phẩm VLKN theo hướng nâng cao yêu cầu chất lượng. Đồng thời, rà soát xây dựng và ban hành hướng dẫn thi công, nghiệm thu VLKN; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chất lượng các sản phẩm VLKN tại các cơ sở sản xuất, các công trình sử dụng VLKN trên cả nước.
Bộ Xây dựng cũng khuyến nghị các địa phương tăng cường kiểm soát tỷ lệ sử dụng VLKN trong quá trình thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng theo thẩm quyền, thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất VLKN trên địa bàn.
baoxaydung.com.vn
Số lượng:
Tổng tiền: