Bồi dưỡng kiến thức thi công & nghiệm thu công trình xây dựng bằng gạch không nung và công nghệ sản xuất gạch không nung

Bồi dưỡng kiến thức thi công & nghiệm thu công trình xây dựng bằng gạch không nung và công nghệ sản xuất gạch không nung

26/09/2019

Nhằm khắc phục các khuyết tật thấm, nứt tường có thể xảy ra với các công trình xây dựng sử dụng gạch không nung do lỗi thi công và để cung cấp cho thị trường các sản phẩm gạch bê tông chất lượng tốt, trong 2 ngày 20 và 21/9/2019 tại thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình, Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” phối hợp với Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình đã tổ chức khoá đào tạo bồi dưỡng kiến thức về “Thi công và nghiệm thu công trình xây dựng bằng gạch không nung” và “Công nghệ sản xuất gạch bê tông” cho 145 học viên là cán bộ, chuyên viên thẩm định thiết kế - dự toán, giám định chất lượng công trình, thanh tra xây dựng của Sở Xây dựng; chuyên gia tư vấn giám sát; chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật thi công, nghiệm thu, đội trưởng, tổ trưởng các tổ, đội thi công trên các công trình xây dựng của các nhà thầu xây dựng và giáo viên dạy nghề các trường cao đẳng, trung cấp nghề xây dựng. Tham dự khoá đào tạo có ông Nguyễn Văn Tăng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình, đại diện Ban Quản lý Dự án, các giảng viên đến từ Viện Khoa học công nghệ xây dựng - Bộ Xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội, Chuyên gia Tổng Công ty Viglacera.

Tiến sĩ Võ Quang Diệm, Chuyên gia của Dự án phát biểu khai mạc khoá đào tạo

Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Võ Quang Diệm, Chuyên gia của Dự án cho biết: Để thúc đẩy Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 đạt mục tiêu tăng thị phần gạch không nung lên 20% đến 25% năm 2015 và từ 30% đến 40% năm 2020, ngày 19 tháng 9 năm 2014 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1686 về việc phê duyệt danh mục Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tài trợ từ nguồn vốn của Quỹ môi trường toàn cầu, giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện, Bộ Xây dựng là Cơ quan đồng thực hiện. Mục tiêu của Dự án là giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung (GKN) thay thế dần sản xuất gạch đất sét nung sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đất nông nghiệp.

 

Để đạt được mục tiêu trên, một trong những nội dung quan trọng của Dự án là nâng cao kiến thức và năng lực kỹ thuật cho các lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất và sử dụng GKN, các tổ chức cung cấp dịch vụ kỹ thuật, các nhà đầu tư, các tổ chức tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công và cơ quan quản lý xây dựng địa phương thông qua chương trình đào tạo của Dự án. Ông Diệm cho biết Ban Quản lý Dự án (BQLDA) gạch không nung đã phối hợp với các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế biên soạn bộ tài liệu đào tạo về GKN gồm 05 môđun: Kiến thức cơ bản về GKN, chính sách và tiêu chuẩn; Thi công nghiệm thu khối xây bằng vật liệu không nung; Công nghệ sản xuất gạch bê tông khí chưng áp (AAC); Công nghệ sản xuất gạch bê tông (CBB); Lập dự án đầu tư và hồ sơ vay vốn cho các dự án GKN và đã tổ chức được 23 khóa đào tạo cho hơn 1.680 học viên đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

 

Việc đào tạo kỹ thuật thi công, nghiệm thu xây GKN cho các đối tượng là công nhân xây dựng - Những người trực tiếp tạo nên chất lượng công trình xây dựng còn hạn chế, cần nguồn lực lớn, đòi hỏi cả xã hội phải vào cuộc. Nhận thấy đây là một rào cản của việc đưa GKN vào công trình xây dựng, BQLDA đã phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng - Bộ Xây dựng biên soạn tài liệu và video “Thi công và nghiệm thu công trình xây dựng bằng gạch không nung” dành cho các đối tượng là công nhân. BQLDA cám ơn Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình đã phối hợp tổ chức khóa đào tạo thí điểm đầu tiên bằng tài liệu này kết hợp với chương trình đào tạo Công nghệ sản xuất gạch bê tông với hy vọng góp phần khắc phục các khuyết tật nứt, thấm tường có nguyên nhân do thi công và do chất lượng GKN. Thành công của khóa đào tạo này là động lực để tiếp tục tổ chức các khóa ở các địa phương khác.

 

Các nội dung trong khoá học về “Thi công và nghiệm thu công trình xây dựng bằng GKN” rất quan trọng và có yếu tố quyết định trong việc đảm bảo chất lượng các công trình, các học viên đã được xem phim video minh hoạ và được Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Viện Khoa học công nghệ xây dựng giới thiệu chi tiết Quy trình thi công và nghiệm thu công trình xây bằng gạch bê tông và chuyên gia Nguyên Văn Kiên - Viglacera giới thiệu Quy trình thi công và nghiệm thu công trình xây bằng gạch AAC và lắp dựng bằng tấm tường AAC có cốt thép. Học viên được cung cấp các kiến thức như: Phân loại gạch bê tông, gạch AAC với các đặc tính kỹ thuật (Cường độ nén, môđun đàn hồi, độ hút nước, độ chống thấm, độ co, khối lượng thể tích); vữa sử dụng (Vữa khô, vữa ướt, vữa trộn sẵn, skimcoat, bột bả); thi công điện & nước; thi công skimcoat, bả, sơn; các loại vật liệu phụ dùng trong thi công; dụng cụ, phụ kiện, thiết bị thi công; trình tự, quy trình và thời gian các bước thi công; giám sát, nghiệm thu công trình (Vật liệu đầu vào, mặt bằng, khối xây thô, liên kết, nẹp giằng, lắp đặt đường điện & nước, chống thấm, chống nứt, lớp trát, lớp skimcoat, bả và sơn); sửa chữa khuyết tật khi thi công xây bằng gạch bê tông (Xử lý nứt xuyên tường, tách tường cột/dầm, rạn hoặc bong vữa trát, thấm, ngấm ẩm, bong rộp sơn vôi, ố sơn vôi). 

 

Tiến sĩ Tống Tôn Kiên, Giảng viên Đại học Xây dựng trình bày các nội dung về công nghệ sản xuất gạch bê tông

 

Trong khoá đào tạo về “Công nghệ sản xuất gạch bê tông” với các nội dung: Tổng quan về gạch bê tông, nguyên liệu sản xuất, thiết kế cấp phối, thiết bị và công nghệ sản xuất gạch bê tông do các giảng viên: PGS TSKH Bạch Đình Thiên, Tiến sĩ Tống Tôn Kiên, Tiến sĩ Võ Quang Diệm trình bày, học viên được cung cấp các kiến thức chung về gạch bê tông, nguyên liệu, thiết bị và công nghệ sản xuất và được hướng dẫn chi tiết phương pháp thiết kế cấp phối vật liệu gạch bê tông. Việc nắm vững phương pháp thiết kế cấp phối, ứng dụng được vào sản xuất là hết sức quan trọng, giúp chủ động sản xuất khi nguyên liệu đầu vào thay đổi, tiết kiệm chất kết dính (Xi măng), giảm giá thành sản phẩm và đảm bảo tính chống thấm của gạch bê tông, một chỉ tiêu trong thực tế rất khó đạt nếu không quan tâm đến vấn đề cấp phối. Bản chất của gạch bê tông, những công đoạn sản xuất, các thông số công nghệ có tính quyết định đến chất lượng sản phẩm, đặc biệt là điều kiện thời tiết, quy trình dưỡng hộ ảnh hưởng đến quá trình phát triển cường độ và biến đổi thể tích (Một trong những nguyên nhân có thể gây nứt tường) của gạch bê tông đã được các giảng viên trình bày chi tiết để các học viên nắm được. Qua đó đã tư vấn quy trình dưỡng hộ gạch bê tông chung để học viên tham khảo góp phần cung cấp cho thị trường Thái Bình những sản phẩm GKN đạt yêu cầu chất lượng. 

 

Kết thúc 2 khóa học trên, các học viên đã tiếp thu được các nội dung về nguyên liệu và quy trình công nghệ sản xuất gạch bê tông với các tính chất cơ bản, ưu nhược điểm của từng loại gạch, các động tác và quy trình thi công (Một số lưu ý về các khuyết tật thường gặp trong thi công và cách khắc phục), giám sát và nghiệm thu thi công khối xây bằng gạch bê tông và gạch AAC. Thông qua khoá học, các học viên sẽ hướng dẫn lại cho công nhân kỹ thuật, những người trực tiếp thi công, trực tiếp tạo nên chất lượng công trình.

 

Ban tổ chức khoá học trao chứng chỉ cho các học viên

Tags :

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Hotline: 0907207555

Sản phẩm đã được thêm vào giỏ hàng

product-image

Số lượng:

Tổng tiền:

Sản phẩm đã được thêm vào giỏ hàng

Phí vận chuyển: Tính khi thanh toán

Tổng tiền thanh toán: