-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Thực hiện thành công lộ trình sản xuất gạch không nung
04/06/2024
Công ty TNHH xuất nhập khẩu và thiết bị xây dựng
Hoàng Hà
Gạch không nung (GKN) được mệnh danh là “vật liệu xây dựng của tương lai”, thay thế cho những viên gạch hồng truyền thống. Mặc dù vậy đến nay, sản phẩm này vẫn gặp không ít khó khăn khi tiếp cận thị trường.
Công ty cổ phần Clever chuyên sản xuất gạch xây không nung, công suất thiết kế khoảng 40 triệu viên/năm.
Người dân chưa mặn mà
Chuẩn bị xây dựng ngôi nhà bốn tầng, anh Nguyễn Văn Phương ở khu dân cư số 2, phường Xương Giang (TP Bắc Giang) dự kiến chọn gạch nung cho công trình. Khi được hỏi sao không lựa chọn GKN, anh cho biết: “Tôi có nghe về loại gạch này nhưng thấy hầu như các công trình nhỏ đều không sử dụng nên không biết chất lượng thế nào. Còn gạch nung đã được sử dụng từ bao đời nay rồi, loại nào tốt xấu chúng tôi đều rõ”.
Anh Ngô Văn Khoa ở thôn Hương Câu, xã Hương Lâm (Hiệp Hòa) cũng chia sẻ: “Tôi cũng biết đến GKN. Thế nhưng lâu nay ở quê tôi, loại gạch này chủ yếu để xây tường rào, chuồng trại… chứ ít khi thấy người dân dùng xây nhà”.
Thực tế cho thấy, tâm lý và thói quen chi phối rất lớn đến việc lựa chọn vật liệu xây dựng (VLXD) của người dân. Bên cạnh việc cân nhắc số tiền bỏ ra, người dân thường quan tâm đến tính phổ biến của các loại vật liệu. Bởi vậy, để thay đổi nhận thức của người dân về loại vật liệu tiết kiệm chi phí cũng như thân thiện với môi trường như GKN không chỉ ngày một, ngày hai.
Theo anh Dương Văn Phượng, một chủ thầu xây dựng ở TP Bắc Giang thì hiện nay, người tiêu dùng vẫn chuộng gạch nung nên lượng khách hàng dùng GKN chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hoặc có thì chỉ sử dụng khi lên tầng hai, tầng ba, lượng mua cũng rất ít. Mặt khác, nhiều thợ cũng không biết rõ kỹ thuật xây dựng GKN như thế nào cho hiệu quả, chất lượng.
“Rào cản” từ thực tế
Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ Xây dựng, Bắc Giang là một trong những địa phương ban hành cơ chế khuyến khích sử dụng vật liệu xây dựng không nung sớm trên cả nước. Mới đây, Sở Xây dựng công bố ba đơn vị sản xuất gạch xây không nung (gạch bê tông xi măng cốt liệu) đạt tiêu chuẩn kỹ thuật là Công ty cổ phần Clever (Lạng Giang), Công ty TNHH Bình Định (Lạng Giang), Công ty cổ phần Xi măng Sông Cầu (Việt Yên), đồng thời yêu cầu các đơn vị chỉ được sử dụng sản phẩm của các DN này khi xây dựng các công trình từ nguồn vốn nhà nước.
Tuy nhiên, một số chủ đầu tư, nhà thầu xây lắp đưa GKN không bảo đảm tiêu chuẩn vào xây dựng. Làm việc tại Sở Xây dựng được biết, Sở đã phối hợp với các huyện, TP nắm thông tin phản ánh từ các tổ chức, cá nhân và DN; tiến hành kiểm tra và nhắc nhở, xử lý những trường hợp vi phạm để chấn chỉnh tình trạng này.
Ông Nguyễn Văn Dinh, Giám đốc Công ty cổ phần Clever (trụ sở tại xã Tân Dĩnh, Lạng Giang) nói: “Do được hưởng các chính sách ưu đãi của tỉnh và nỗ lực của DN nên năm nay đơn vị không còn hàng tồn kho, lượng tiêu thụ khoảng 20 triệu viên tính từ đầu năm. Nhưng vừa qua, một số chủ đầu tư, nhà thầu xây lắp sử dụng sản phẩm GKN không đúng tiêu chuẩn không chỉ làm giảm chất lượng công trình, thất thoát vốn nhà nước mà còn tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động và uy tín của DN”.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 11 cơ sở sản xuất (CSSX) GKN được chấp thuận đầu tư. Trong đó có 4 cơ sở đã đầu tư và đang hoạt động, gồm ba CSSX gạch xây và một CSSX gạch lát hè. Ngoài ra, còn có gần 200 cơ sở sản xuất GKN chưa được công bố về tiêu chuẩn. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu này không phải dễ dàng khi các CSSX GKN còn gặp khó khăn về nguồn vốn để đầu tư dây chuyền hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, nền kinh tế khó khăn, đầu tư công bị cắt giảm, thị trường bất động sản trầm lắng… cũng ảnh hưởng đến lượng tiêu thụ của dòng sản phẩm này.
“Gỡ khó” cho GKN
Để khắc phục tình trạng đưa GKN không bảo đảm chất lượng vào công trình xây dựng có sử dụng nguồn vốn của Nhà nước, theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trịnh Quang Hưng, Sở đã có kế hoạch phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng GKN trước khi đưa vào công trình xây dựng, kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm theo quy định.
"Ba đơn vị sản xuất gạch xây không nung trên địa bàn tỉnh có tổng công suất thiết kế là 74 triệu viên/năm, đáp ứng đủ nhu cầu thực tế theo quy định hiện nay là TP Bắc Giang phải dùng 100%, các huyện còn lại phải dùng 50% GKN đối với các công trình vốn nhà nước" - Ông Lê Quang Minh - Phó Trưởng phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng (Sở Xây dựng). |
Trước mắt để hài hòa lợi ích giữa các cơ sở sản xuất GKN, Sở Xây dựng vừa có văn bản quy định ngoài những DN đã được công bố về chất lượng, GKN của những cơ sở sản xuất khác chưa bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định chỉ được dùng xây dựng các công trình dân sinh cấp thấp, không thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước. Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu các DN sản xuất GKN đã được công bố đạt tiêu chuẩn phải thường xuyên tự kiểm định và đánh giá chất lượng sản phẩm; các CSSX chưa được công bố phải quan tâm áp dụng công nghệ và cải tiến kỹ thuật để nâng cao chất lượng, thực hiện tốt các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, ngày càng tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, từ đó góp phần mở rộng thị trường, tạo chỗ đứng vững chắc cho GKN.
baobacgiang.com.vn
Số lượng:
Tổng tiền: